Trong bài viết hôm nay, Chuyêntai chinh sẽ cùng bạn tìm hiểu về cán cân thanh toán quốc tế, một báo cáo thống kê tổng hợp tất cả các giao dịch kinh tế giữa Việt Nam và nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là yếu tố quan trọng phản ánh sức khỏe tài chính và vị thế kinh tế đối ngoại của một quốc gia.
I. Cán cân thanh toán quốc tế là gì?
Cán cân thanh toán quốc tế (balance of payment) là một báo cáo tổng hợp, ghi chép có hệ thống tất cả các khoản thu chi ngoại tệ và giao dịch kinh tế của một quốc gia với các nước khác trong một thời kỳ nhất định.
Cán cân thanh toán quốc tế báo cáo tổng hợp giao dịch của quốc gia
Mỗi quốc gia đều có quan hệ về kinh tế, văn hoá, chính trị, quân sự và ngoại giao với nhiều quốc gia khác, kèm theo đó là dòng chảy ngoại tệ vào và ra, tức là phát sinh các khoản thu chi ngoại tệ.
Để đánh giá chính xác tình hình thu chi quốc tế trong từng thời kỳ, các giao dịch này được tập hợp và ghi chép vào một biểu đặc biệt gọi là cán cân thanh toán quốc tế.
Theo cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021, do Ngân hàng Nhà nước công bố, thường xuyên ghi nhận thặng dư. Năm 2019, cán cân tổng thể của Việt Nam thặng dư hơn 23,25 tỷ USD (tương đương 8,88% GDP năm).
Trong các năm 2020 và 2021, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng cán cân của Việt Nam vẫn thặng dư hơn 16,6 tỷ USD.
II. Nội dung của cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế bao gồm các hạng mục: Cán cân vãng lai, vốn và tài chính, lỗi và sai sót, cán cân tổng thể và tài trợ chính thức.
1. Cán cân vô hình (Cán cân dịch vụ)
Phản ánh các khoản thu chi từ hoạt động dịch vụ vận tải (bao gồm cước phí vận chuyển thuê tàu, bến bãi…) du lịch, dịch vụ kỹ thuật, bản quyền, bằng sáng chế, bưu chính, cố vấn pháp luật… Bản chất đây là cán cân thương mại nhưng liên quan đến xuất nhập khẩu dịch vụ.
– Ghi chép: Xuất khẩu dịch vụ: Có
– Nhập khẩu dịch vụ: Nợ
2. Cán cân hữu hình (Cán cân thương mại)
Phản ánh các khoản thu chi trong giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa trong một thời kỳ nhất định. Cán cân thương mại thặng dư cho thấy nước đó thu được nhiều từ xuất khẩu hơn so với số chi ra cho nhập khẩu. Ngược lại, cán cân bội chi chỉ ra rằng nước đó chi trả cho nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
Khi xuất khẩu, trị giá hàng xuất khẩu được ghi vào bên Có (hoạt động xuất khẩu tạo ra cung ngoại tệ và cầu nội tệ trên thị trường ngoại hối)
Khi nhập khẩu, trị giá hàng nhập khẩu được phản ánh bên Nợ (Nhập khẩu tạo ra cầu ngoại tệ)
Cán cân hữu hình biểu hiện dòng tiền trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
3. Tài khoản vãng lai
Đây là cán cân ghi nhận các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và các khoản chuyển giao tiền tệ.
Cán cân vãng lai được phân thành 4 nhóm nhỏ:
– Thương mại hàng hóa
– Dịch vụ
– Yếu tố thu nhập
– Chuyển tiền thuần.
4. Cán cân thu nhập (Yếu tố thu nhập)
Phần này thể hiện luồng tiền chuyển về và đi, bao gồm:
– Thu nhập của lao động (bao gồm lương, thưởng và các thu nhập khác…) giữa người cư trú và không cư trú.
– Thu nhập từ đầu tư như vốn FDI, ODA, khoản thu hồi nợ được thanh toán từ lãi, cổ tức từ đầu tư trước đây ở nước ngoài.
Thu nhập chuyển vào phản ánh bên Có (do làm tăng cung ngoại tệ)
Thu nhập chuyển ra phản ánh bên Nợ (do làm giảm cung ngoại tệ)
– Chuyển tiền đơn phương: Bao gồm viện trợ không hoàn lại, tiền bồi thường, quà tặng, trợ cấp Chính phủ, trợ cấp tư nhân…
– Do các khoản chuyển giao một chiều làm tăng thu nhập nội địa, tăng cung ngoại tệ >>> nên phản ánh vào bên Có.
– Các khoản phải thanh toán cho người nước ngoài, phát sinh cầu ngoại tệ nên phản ánh vào bên Nợ.
5. Cán cân vốn và tài chính
Cán cân này biểu thị sự dịch chuyển tư bản giữa một quốc gia với các nước khác, thể hiện qua luồng vốn được đầu tư ra và vào. Các luồng vốn gồm hai loại: ngắn hạn và dài hạn.
Luồng vốn ngắn hạn: Bao gồm các khoản vốn ngắn hạn vào và ra, như tín dụng thương mại, tín dụng ngắn hạn ngân hàng, tiền gửi ngắn hạn.
Luồng vốn dài hạn: Phản ánh các khoản vốn dài hạn như FDI, tín dụng quốc tế dài hạn (tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi), các đầu tư gián tiếp như mua/bán cổ phiếu, trái phiếu quốc tế…
Theo dõi cán cân vốn và tài chính là rất quan trọng cho nền kinh tế quốc gia
Cán cân tài chính: Gồm các khoản vốn chuyển giao một chiều, không hoàn lại như viện trợ không hoàn lại, xóa nợ, tài sản của người di cư. Cán cân sẽ thặng dư khi lượng tiền vào vượt quá vốn đầu tư ra.
Tài trợ chính thức: Cán cân bù đắp chính thức gồm các khoản như dự trữ ngoại hối quốc gia, quan hệ với ngân hàng Trung ương khác, với IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế), thay đổi dự trữ của ngân hàng Trung ương khác bằng đồng tiền của quốc gia có lập cán cân thanh toán.
Dự trữ ngoại hối quốc gia đóng vai trò quyết định, do đó để đơn giản hóa khi phân tích, ta coi dự trữ ngoại hối là cán cân bù đắp chính thức.
6. Lỗi và sai sót
Khoản mục này phản ánh sự sai lệch trong số liệu thống kê, phát sinh do nhầm lẫn, thiếu sót hoặc không thể thu thập đầy đủ dữ liệu.
Nguyên nhân thường đến từ việc ghi chép các khoản thanh toán hoặc hóa đơn quốc tế được thực hiện tại những thời điểm, địa điểm hoặc theo các phương pháp khác nhau, dẫn đến chênh lệch số liệu.
Do đó, mục “lỗi và sai sót” được sử dụng để điều chỉnh và cân bằng các sai số trong cán cân thanh toán nhằm đảm bảo độ chính xác tương đối cho toàn bộ hệ thống thống kê.
7. Cán cân tổng thể
Nếu thống kê đạt mức chính xác tuyệt đối, tức là không có lỗi và sai sót, cán cân tổng thể sẽ là tổng của cán cân vãng lai và cán cân vốn.
Cán cân tổng thể = Cán cân vãng lai + Cán cân vốn + Lỗi và sai sót
Khoản mục này minh họa tình hình kinh tế đối ngoại của một quốc gia. Nếu kết quả là dương (+), quốc gia đó có thêm nguồn thu ngoại tệ. Ngược lại, nếu kết quả âm (-), thu ngoại tệ giảm.
III. Vai trò của cán cân thanh toán
Balance of payment diễn tả kết quả của hoạt động trao đổi quốc tế của một đất nước với các nước khác. Cân đối này trực tiếp phản ánh tình trạng công nợ của quốc gia đó, cho biết quốc gia là chủ nợ hay là con nợ đối với các nước khác.
Cán cân thanh toán cũng biểu hiện vị thế kinh tế của một quốc gia trên trường quốc tế, với tất cả các hoạt động thương mại, dịch vụ và chính sách liên quan.
Cán cân thanh toán quốc tế phản ánh địa vị của một quốc gia
Cán cân thanh toán quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Trạng thái của các số liệu này có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và gây biến động trong phát triển kinh tế – xã hội.
Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách kinh tế cần cân nhắc tình hình cán cân khi lập kế hoạch. Trong trường hợp cán cân thâm hụt, chính phủ có thể cần nâng lãi suất hoặc cắt giảm chi tiêu công. Tùy thuộc vào từng thời điểm, chính phủ sẽ dựa vào cán cân để định hướng phát triển kinh tế – xã hội phù hợp.
IV. Các loại cán cân thanh toán quốc tế hiện nay
Có 2 loại cán cân thanh toán quốc tế dựa trên thời điểm và thời kỳ
Balance of payment được phân loại thành 2 dạng:
– Cán cân theo thời điểm: Phản ánh các khoản ngoại tệ sẽ thu và chi tại một thời điểm nhất định.
– Cán cân theo thời kỳ: Phản ánh toàn bộ các khoản ngoại tệ đã thu chi giữa các nước trong một thời kỳ nhất định.
V. Các yếu tố ảnh hưởng tới cán cân thanh toán
1. Cán cân mậu dịch
Cán cân mậu dịch phản ánh chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của một quốc gia. Đây là yếu tố then chốt trong cán cân thanh toán, cho thấy năng lực sản xuất và sức cạnh tranh kinh tế. Thặng dư hay thâm hụt thương mại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế tài chính quốc gia. Cán cân mậu dịch chịu tác động bởi tỷ giá, chính sách thương mại và biến động thị trường toàn cầu.
2. Tình hình lạm phát
Khi các yếu tố khác giữ nguyên, tỷ lệ lạm phát của một quốc gia cao hơn so với các nước đối tác thương mại sẽ khiến hàng hóa của quốc gia đó mất đi sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, lạm phát cao làm giảm khối lượng xuất khẩu.
3. Tác động của tỷ giá hối đoái
Nếu giá trị tiền tệ của một quốc gia tăng so với quốc gia khác (với giả định các yếu tố khác không thay đổi), tài khoản vãng lai của quốc gia đó sẽ bị giảm.
Nhiều yếu tố có thể làm thay đổi cán cân thanh toán quốc tế
4. Tác động của thu nhập quốc dân
Thu nhập quốc dân ảnh hưởng đến sự tính toán trong thanh toán quốc tế. Khi thu nhập của quốc gia này tăng nhanh hơn quốc gia khác, tài khoản vãng lai sẽ giảm do tiêu dùng hàng hóa tăng. (với giả định các yếu tố khác không thay đổi).
5. Khả năng và trình độ quản lý kinh tế của Chính phủ
Chính sách xuất nhập khẩu của từng quốc gia khác nhau sẽ gây ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Quốc gia nào có Chính phủ quản lý hiệu quả sẽ phát triển nền kinh tế mạnh mẽ hơn, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Điều này góp phần tạo nên sự bền vững và tăng trưởng liên tục cho nền kinh tế.
Cán cân thanh toán quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Chính phủ có thể dựa vào các chỉ số này đề ra chính sách tài chính tối ưu để phát triển kinh tế đất nước.
Hy vọng thông qua chia sẻ từ Chuyên Tài Chính, bạn hiểu rõ hơn về cán cân thanh toán quốc tế và tầm quan trọng của nó đối với kinh tế và vị thế của một quốc gia.